Lịch sử hình thành và phát triển Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang không có cơ quan phát thanh, truyền thanh thống nhất để thực hiện công tác thông tin tuyên truyền. Năm 1978 Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh có chủ trương thành lập Đài Phát thanh Tiền Giang. Ông Cao Văn Sáu, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy được bổ nhiệm làm kiêm Giám đốc đài[2].

Tỉnh được Trung ương điều động cho một máy phát thanh AM (Amplitude Modulation) 1 kW nhưng bị hư hỏng nặng, phải nhờ cơ quan thường trú của Đài Tiếng nói Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh và Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ linh kiện để sửa chữa. Bấy giờ, máy phát được đặt tạm tại trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh, ăng-ten phát sóng được làm dã chiến bằng hệ thống các dây văng, phòng thu sử dụng nhờ của Đài Truyền thanh Thành phố Mỹ Tho. Đầu năm 1979 phát sóng thử nghiệm, đến ngày 16 tháng 9 năm 1979, Đài Phát thanh Tiền Giang đã chính thức phát sóng trên tần số AM 820 kHz, tức 365 m[3] và Tiền Giang là tỉnh cuối cùng ở Việt Nam phát sóng chương trình phát thanh. Nhạc hiệu của đài là bài "Ta lớn lên từ đất này" của nhạc sĩ Phạm Tuyên, được dùng trên cả phát thanh và truyền hình kể từ khi thành lập đài cho đến nay.

Trụ sở làm việc ban đầu của đài tuy được bố trí tại số 125 Lê Thị Hồng Gấm, phường 4, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang nhưng cơ sở vật chất rất thiếu thốn, máy thu âm lạc hậu, chỉ có công suất 1 kW, nhà làm việc bị nước mưa làm rong rêu bám đầy, chỉ có 2 tầng, phòng thu phát thanh tạm bợ, thời lượng phát sóng chỉ có 2 giờ trong ngày... Sau đó đài được cấp khu đất ở phường 6, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang để làm khu phát xạ. Để xây dựng được ăng-ten phát sóng, tỉnh đã đem gạo đổi cho tỉnh Sông Bé lúc bấy giờ để đổi lấy 30 m ăng-ten và mua thép của Công ty Cấp thoát nước Tiền Giang hàn thêm 30 m nữa cho đủ độ cao là 60 m. Do phòng thu âm lúc đầu sử dụng nhờ của Đài Truyền thanh thành phố Mỹ Tho nên đến cuối năm 1979 đài tiếp tục dùng gạo để lên Sông Bé đổi gạch và mút cách âm về cải tại lại phòng ở thành phòng thu âm[cần dẫn nguồn]...

Tháng 4 năm 1984, Phòng Truyền hình thời sự thuộc Ty Văn hóa – Thông tin tỉnh (sau này được đổi tên thành Sở Văn hóa - Thông tin rồi đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) được sáp nhập vào Đài Phát thanh Tiền Giang. Đài được đổi tên thành Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang, giữ nhiệm vụ tổ chức thực hiện chương trình phát thanh, truyền hình và quản lý hệ thống truyền thanh trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, bấy giờ công tác truyền hình của đài còn rất sơ khai với vài máy quay phim nhựa 16 mm, chỉ đủ khả năng thực hiện các tin thời sự gửi cộng tác với Đài Truyền hình Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh[4].

Năm 1985, đài được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Trong những năm tiếp theo, đài được đầu tư một số trang thiết bị như máy phát thanh 5 kW, 10 kW, phòng bá âm mới, nhập một số thiết bị điện tử chuyên ngành cho truyền hình...

Năm 1994, UBND tỉnh Tiền Giang cho phép lập dự án đầu tư xây dựng Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang hoàn chỉnh từ khâu sản xuất chương trình đến truyền dẫn phát sóng truyền hình song song với sóng phát thanh hiện có. Theo đó, ngày 17 tháng 10 năm 1995 đã khởi công xây dựng các hạng mục của dự án Khu nhà kỹ thuật phát thanh truyền hình và cột ăng-ten phát sóng cao 110 m tại địa chỉ số 125 Lê Thị Hồng Gấm, phường 4, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Qua 2 năm khẩn trương triển khai thực hiện, đúng 18 giờ 00 phút ngày 19 tháng 12 năm 1996, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Toàn quốc kháng chiến, đài đã chính thức phát sóng chương trình truyền hình tương tự (Analog Television) lần đầu tiên trên kênh 26 UHF (Ultra High Frequency)[4]. Đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự ra đời loại hình báo chí mới của tỉnh Tiền Giang, đó là báo hình[5]. Biểu trưng (logo) của đài lúc bấy giờ là TTV (viết tắt của cụm từ Tien Giang Television). Tuy nhiên, trong những ngày đầu phát sóng trang thiết bị dành cho truyền hình cũng rất thiếu thốn, chỉ có 1 máy phát hình màu 5 kW, 2 đầu video VHS, 5 máy quay phim, 2 bàn dựng và 2 máy vi tính; lực lượng phóng viên và kỹ thuật viên chỉ khoảng 30 người, mỗi ngày thời lượng phát sóng chỉ 3,5 giờ (từ 18 giờ đến 21 giờ 30) với vỏn vẹn 4 thể loại chương trình[6].

Năm 2000, đài được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Trong giai đoạn này, đài cũng thay đổi biểu trưng (logo) từ TTV thành THTG (tức Truyền hình Tiền Giang).

Ngày 27 tháng 3 năm 2004, kênh truyền hình THTG bị dừng phát sóng đột ngột khiến tất cả khán giả trong vùng phủ sóng của đài không thể xem các chương trình truyền hình suốt 3 ngày liên tục, nguyên nhân là do trục trặc kỹ thuật ở bộ chia tín hiệu truyền sóng trên đỉnh ăng-ten vì đã sử dụng liên tục từ năm 1996. Sau 3 ngày khẩn trương khắc phục sửa chữa, đến 16 giờ 15 phút ngày 30 tháng 3 kênh truyền hình THTG chính thức phát sóng trở lại bình thường. Đây là lần đầu tiên, kênh truyền hình của đài bị dừng phát sóng một cách đột ngột và kéo dài[7]. Cũng trong năm 2004, do phải bàn giao mặt bằng để xây dựng công trình cầu Rạch Miễu nên đài đã ngưng phát sóng chương trình phát thanh AM và được thay thế bằng chương trình phát thanh FM[1] (trên tần số 102,7 MHz, từ ngày 23 tháng 12 năm 2010 thay đổi sang tần số 96,2 MHz[8]) từ đó đến nay.

Ngày 16 tháng 9 năm 2009, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập, đài chính thức ra mắt trang thông tin điện tử tổng hợp với nhiều nội dung phong phú[9]. Đây là nền tảng và sự khởi đầu cho sự phát triển về sau của báo điện tử phát thanh truyền hình, đồng thời nhằm cập nhật và nắm bắt kịp thời xu thế công nghệ truyền hình trong thời đại mới.

Năm 2013, UBND tỉnh chấp thuận cho đài thực hiện đề án phát sóng các chương trình phát thanh và truyền hình lên vệ tinh Vinasat. Sau một thời gian triển khai đề án, ngày 20 tháng 6 năm 2013, Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang đã tiến hành phát sóng thử nghiệm[10] chương trình phát thanh FM (Frequency Modulation) và truyền hình THTG qua sóng vệ tinh Vinasat để hiệu chỉnh các thông số kỹ thuật. Đến ngày 19 tháng 7 năm 2013 thì chính thức phát lên vệ tinh Vinasat 1 ở vị trí 132° kinh Đông thông qua đối tác VTC[11].

Thời gian đầu, chương trình phát thanh chỉ phát sóng 2 giờ trong ngày, nay đã nâng lên 18 giờ trong ngày; truyền hình từ 3,5 giờ trong ngày đến năm 1998 đã tăng lên 2 buổi với thời lượng phát sóng 7 giờ trong ngày, năm 2000 tăng lên 3 buổi với thời lượng phát sóng 9 giờ trong ngày, năm 2006 tăng thời lượng phát sóng lên 17 giờ trong ngày, năm 2011 phát sóng 19 giờ trong ngày và đến ngày 30 tháng 01 năm 2014 đã chính thức phát sóng liên tục 24/24 giờ trong ngày sau khi UBND tỉnh chấp thuận và được Bộ Thông tin & Truyền thông cấp phép, đánh dấu sự trưởng thành và lớn mạnh của Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang[5],[12].

Tháng 4 năm 2014, Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang chính thức đưa dự án số hóa vào vận hành với quy trình khép kín từ tiền kỳ, hậu kỳ đến truyền dẫn phát sóng và thư viện số lưu trữ [5].

Ngày 16 tháng 9 năm 2014, nhân kỷ niệm 35 năm thành lập, Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch nước trao tặng[13].

Ngày 15 tháng 8 năm 2017, Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang đã ngừng phát sóng kênh truyền hình Tiền Giang (THTG) trên hạ tầng truyền hình tương tự (Analog Television) để chuyển sang phát sóng trên hạ tầng truyền hình kỹ thuật số mặt đất[14] (DTT - Digital Terrestrial Television) theo Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 của Chính phủ.

Ngày 4 tháng 1 năm 2020, Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang phát sóng kênh truyền hình THTG theo chuẩn phân giải độ nét cao HDTV (High Definition Television) trên hạ tầng kỹ thuật số mặt đất DVB-T2 và các hạ tầng truyền dẫn phát sóng khác. Đánh dấu bước ngoặt phát triển, quyết tâm đổi mới để tạo đột phá và là cuộc cách mạng trong phương thức sản xuất, truyền dẫn phát sóng.

Theo theo lộ trình số hóa của Chính phủ và Đề án Phát triển tổng thể của Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang đã được UBND tỉnh phê duyệt, đài sẽ đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Kỹ thuật Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang, phim trường ngoài trời và trang thiết bị kỹ thuật chuyên ngành đồng bộ, hiện đại tại khu đất thuộc Quảng trường trung tâm tỉnh Tiền Giang; xin chủ trương mở thêm kênh truyền hình THTG2 nhằm đa dạng chương trình[6] và đến năm 2021 sẽ hoàn toàn tự chủ về tài chính[6]... Bên cạnh đó, đài sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng chương trình phát thanh, truyền hình theo hướng gần gũi và thiết thực hơn với cuộc sống; tăng cường thực hiện xã hội hóa sản xuất chương trình, chuyển tải thông tin và các chương trình giải trí đến khán, thính giả thông qua 3 phương tiện chính là: truyền hình, phát thanh FM và trang thông tin điện tử của đài; đồng thời tích hợp ba loại hình này ngày càng phát triển mạnh trên internet, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin, giáo dục và giải trí của người dân trong, ngoài tỉnh và nước ngoài[12]. Nỗ lực xây dựng, sắp xếp bố trí lại các chương trình và thời lượng chương trình cho phù hợp với từng nhóm đối tượng xem đài, tập trung sản xuất các chương trình giải trí, khoa giáo, văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là các gameshow, nhất là các chương trình văn nghệ địa phương chưa được khai thác hết nhằm quảng bá hình ảnh Tiền Giang... Các chương trình thời sự chính luận sẽ được bố trí phát ở những giờ tốt nhất, tin tức cập nhật, mở rộng diện thông tin trong tỉnh, trong nước và thế giới. Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các chương trình khoa giáo, văn hóa - văn nghệ, giải trí trên cơ sở hợp tác, liên kết sản xuất với các đơn vị truyền thông khác. Việc đổi mới nội dung chương trình gắn liền với hình thức thể hiện, không chạy theo số lượng, tập trung nâng cao chất lượng, hướng đến phương châm “phát những chương trình mà khán giả cần, chứ không phát những gì đài có”[6].

Ngày 20 tháng 10 năm 2020, THTG phát sóng truyền hình HD.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang http://www.facebook.com/TienGiangTV http://baoapbac.vn/chinh-tri/201409/dai-pt-th-tinh... http://baoapbac.vn/chinh-tri/201409/ky-niem-35-nam... http://baoapbac.vn/chinh-tri/201612/dai-phat-thanh... http://baoapbac.vn/chinh-tri/201612/truyen-hinh-ti... http://baoapbac.vn/xa-hoi/201506/dai-ptth-tien-gia... http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Lui-thoi-... http://thtg.com.vn http://website.tiengiang.gov.vn/xemtin.asp?idcha=9... http://www.tiengiang.gov.vn/xemtin.aspcap=3&id=186...